Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nguồn cung xăng dầu trong nước hiện chiếm 70 – 75% kèm theo những thay đổi chính sách về thuế nhập khẩu nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu đã không còn phù hợp.
Chiều ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua, với sự thay đổi về năng lực sản xuất và cung ứng xăng dầu trong nước, chiếm 70 – 75% tổng nguồn cung, nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu đã không còn phù hợp.
Số lượng doanh nghiệp đầu mối và các doanh nghiệp khác tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng; sự thay đổi về chính sách thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế đòi hỏi Nghị định số 83 cần thiết phải sửa đổi.
Đánh giá về Nghị định 83, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết kể từ khi có Nghị định 83, công tác điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng công khai, minh bạch hơn.
Nghị định 83 đã quy định cụ thể về công thức tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.
Nội dung điều hành kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đăng công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và gửi tới các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin để người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia và mọi người quan tâm đều có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát.
Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được chủ động quyết định giá bán lẻ xăng dầu nhưng không cao hơn giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố.
Đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Qua đó doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi cũng như được lựa chọn mua xăng dầu với các mức giá phù hợp.